Xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang có nhiều khởi sắc

Thứ năm - 23/11/2023 03:51
Từ đổi mới cách làm cùng sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay tỉnh Hà Giang đã có một đơn vị cấp huyện và 48 xã về đích nông thôn mới. Chương trình nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo và đời sống của người dân vùng cao.
Người dân xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên góp công làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên góp công làm đường giao thông nông thôn.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Làm thực chất, không chạy theo thành tích”. Theo đó, tỉnh không ấn định, giao kế hoạch số xã về đích nông thôn mới hằng năm, thay vào đó là giao các địa phương thực hiện từng tiêu chí tăng thêm.
Hiệu quả từ cách làm mới
Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: “Tỉnh giao thực hiện các tiêu chí tăng thêm trên cơ sở các địa phương rà soát nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Do đó, việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới sẽ thuận lợi, thực chất, khả năng hoàn thành cao vì các tiêu chí đã được các địa phương đề xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động trong việc sắp xếp, bố trí, phân bổ nguồn lực thực hiện”.
 
Mô hình nuôi gà đen của gia đình anh Lương Văn Nam, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, cho thu nhập cao.
Năm nay, huyện Bắc Quang được giao thực hiện 20 tiêu chí nông thôn mới, chủ yếu là các tiêu chí điện, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông. Nhu cầu vốn để thực hiện gần 170 tỷ đồng, đến nay sau khi rà soát, lồng ghép các nguồn vốn mới đáp ứng hơn 80 tỷ đồng.
Huyện Bắc Quang chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm cân đối để tất cả các danh mục dự án đầu tư đều lồng ghép, kết nối với thực hiện chương trình nông thôn mới. Do đó, hầu hết các tiêu chí tăng thêm đều đã triển khai.
Ông Nguyễn Hồng Tuyên, Chánh Văn phòng Nông thôn mới huyện Bắc Quang
Mặc dù thiếu vốn, nhưng huyện vẫn quyết tâm hoàn thành các tiêu chí được giao, thông qua việc huy động tối đa nội lực của nhân dân để thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng dân sinh gắn với lợi ích trực tiếp của người dân, như đường nông thôn, kênh mương nội đồng, thiết chế văn hóa.
Những ngày này, đơn vị thi công 3 tuyến đường bê-tông có tổng chiều dài gần 8km vào các thôn vùng cao Khuổi Hốc, Khuổi Trì, Khuổi Lè, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang đang đẩy nhanh tiến độ. Đây là 3 thôn cuối cùng ở xã được đầu tư làm đường bê-tông và là một trong những tiêu chí tăng thêm do xã được tỉnh giao hoàn thành trong năm 2023.
Tuyến đường có vốn đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng, hình thức đầu tư nhà nước cấp kinh phí 70%, còn lại là nhân dân đóng góp.
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thành cho biết: “Mặc dù vốn bố trí chưa đủ, nhưng xã đã lựa chọn tổ thợ thi công có tiềm lực kinh tế khởi công thực hiện, bảo đảm hoàn thành tuyến đường trong năm nay, nguồn vốn còn thiếu sẽ được thanh toán đầy đủ khi xã được bổ sung vốn. Người dân các thôn cũng đồng tình ủng hộ, tích cực góp công, góp sức, tạo điều kiện cho đơn vị thi công tuyến đường. Chắc chắn, đến cuối năm 2023 xã sẽ hoàn thành tiêu chí tăng thêm tỉnh giao”.
Từ năm 2021 đến nay, hằng năm tỉnh Hà Giang giao cho các huyện, xã thực hiện hơn 100 tiêu chí nông thôn mới cấp xã và khoảng 500 tiêu chí nông thôn mới cấp thôn.
Khi được giao kế hoạch, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn chương trình nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình, dự án khác trên địa bàn huyện để triển khai, thực hiện.
Huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển cây trồng có thế mạnh, trong đó có cây cam nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.
Năm 2023, mặc dù khó khăn về nguồn vốn nhưng các địa phương đã khéo léo huy động, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn (bao gồm cả vốn chuyển nguồn từ năm 2022) được hơn 1.294 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Điểm nổi bật trong việc huy động nguồn lực đó là tỉnh huy động nội lực trong dân thực hiện các công trình gắn với lợi ích cộng đồng. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh cấp 35 nghìn tấn xi-măng cho các địa phương thực hiện các công trình dân sinh, chủ yếu là làm đường giao thông theo hình thức nhà nước hỗ trợ xi-măng, nhân dân góp tiền và công lao động. Với cách làm này, chỉ trong vòng 3 năm, toàn tỉnh làm được 700km đường bê-tông nông thôn.
Cần bổ sung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu nghị quyết
Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, bình quân các xã toàn tỉnh đạt 11,7 tiêu chí/xã. Đời sống của người dân được nâng lên, nhất là các xã đã về đích nông thôn mới thực hiện các tiêu chí nâng cao.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục xây dựng tiêu chí thủy lợi. Tỉnh xác định, cần có cơ sở hạ tầng thủy lợi phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương cũng nỗ lực đưa nước nước sạch về các điểm bản vùng cao, vùng xa, vùng sâu phục vụ sinh hoạt của đồng bào các dân tộc.
Về đích nông thôn mới, nhiều hộ gia đình ở xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên được sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Hiện nay, tỉnh Hà Giang có hơn 880 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cung cấp nước cho hơn 178 nghìn hộ dân. Qua đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn là hơn 22%.
Tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, sau 3 năm về đích nông thôn mới, cuộc sống của người dân không ngừng thay đổi. Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá Hoàng Trung Tá cho biết, sau khi về đích nông thôn mới, xã tập trung nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế. Cùng với đó, xã hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Đến nay tất cả các thôn, xóm đã có đường bê-tông và đều triển khai làm tuyến đường kiểu mẫu với tiêu chí mở rộng nền đường, đắp lề, trồng hoa, cây cảnh, thắp sáng đường quê với hơn 300 bóng đèn năng lượng mặt trời”.
Nổi bật là số hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn đã tăng đáng kể. Trước kia, người dân sử dụng nước nguồn, nước giếng khoan. Do đầu nguồn các con suối có hoạt động khai thác khoáng sản, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2015-2021, nhà nước đã đầu tư cho xã 3 công trình nước sạch sinh hoạt, qua đó góp phần nâng cao tiêu chí sử dụng nước sạch với 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó hơn 50% được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước.
Ông Đán Văn Sân, thành viên tổ quản lý nước thôn Nà Thé, xã Tùng Bá cho biết, năm 2021, nhà nước bàn giao công trình nước sạch cho thôn quản lý. Ban đầu, người dân chưa quen việc dùng nước phải trả tiền quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành... Nhưng sau khi được sử dụng nước sạch, nguồn nước ổn định quanh năm thì người dân rất phấn khởi. Từ hơn 200 hộ được hưởng lợi ban đầu, đến nay công trình nước sạch đã mở rộng quy mô cấp nước cho hơn 400 hộ dân ở 2 thôn”.

 

Tác giả: Quản trị

Nguồn tin: Nguồn: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin mới hơn

Địa phương đạt chuẩn

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
NTM TW
Cổng TTĐT tỉnh HG
Sở NNPTNT
Ban Dân tộc tỉnh
Sở LĐTBXH

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập281
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm280
  • Hôm nay31,436
  • Tháng hiện tại51,748
  • Tổng lượt truy cập1,956,594
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây