Bà cụ nhà quê và sự liêm sỉ

Thứ hai - 30/09/2019 04:02
Mấy hôm nay, cả báo chính thống lẫn mạng xã hội đều tràn ngập lời ca ngợi, khâm phục cụ bà Đỗ Thị Mơ ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Cụ bà Đỗ Thị Mơ.
Cụ bà Đỗ Thị Mơ.
Cụ bà 83 tuổi này đã đạp xe lên UBND xã, yêu cầu xã rút tên mình khỏi danh sách hộ nghèo, vì “tôi ở một mình rất thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu. Ruộng của tôi rất rộng, những mấy sào, tôi cấy lúa, trồng rau, mỗi ngày cũng kiếm được năm sáu chục ngàn. Thu nhập của tôi còn cao hơn rất nhiều bà con khác. Tại sao lại bảo tôi nghèo?”.
Cái lý của cụ Mơ nghe thật chất phác, nhưng cũng thật kiên quyết, dứt khoát. Ai nghe được cũng thấy nể phục lòng tự trọng và sự liêm sỉ trong con người cụ.
Ai cũng biết, để được là hộ nghèo, là được nhà nước quan tâm, ưu tiên rất nhiều thứ như được miễn giảm tiền điện, tiền nước, được cấp sổ bảo hiểm y tế không mất tiền, được giao đất với giá ưu đãi, được vay vốn với lãi suất thấp... Vì thế, để được lọt vào danh sách hộ nghèo, phải qua sự bình chọn, xét duyệt rất nghiêm ngặt.
Và cũng vì thế, người ta tìm mọi cách để có được cái sổ hộ nghèo, dù không nghèo. Và một khi đã lọt được vào danh sách đó rồi thì nhất định không ra, dù đã thoát nghèo từ lâu, và khi “bị” đưa ra khỏi danh sách đó thì làm mình làm mẩy, kiện cáo lu bù.
Rồi rất nhiều cán bộ lãnh đạo khác đã lợi dụng chức quyền, ấn sổ hộ nghèo vào tay vợ con, họ hàng mình chỉ để được hưởng những ưu ái đó, như trường hợp lãnh đạo xã Bồ Lý, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), chẳng hạn.
Khi UBND huyện có chủ trương giao đất cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và giáo viên giảng dạy lâu năm trên địa bàn xã nhưng chưa có đất ở, mỗi hộ được giao 120m2. Xã Bồ Lý được duyệt 39 hộ. Nhưng trong số 39 hộ đó, có tới 17 suất là người nhà của lãnh đạo xã, dù họ chẳng bao giờ nghèo, có người thậm chí còn đang độ tuổi đi học, chưa lập gia đình...
Hay trường hợp ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Để được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 0,6% đến 0,75%/năm, cán bộ xã đã khoác cái áo “hộ nghèo” lên rất nhiều hộ không nghèo, như hộ bà Đỗ Thị Kiểm (giáo viên mầm non) có chồng là cán bộ huyện đội huyện Anh Sơn, hộ bà Phạm Thị Tú, chủ tịch hội LHPN xã, chồng là phó chủ tịch UBND xã... Trong khi rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trong xã, đang rất cần vốn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, thì lại không được vay.
Thực ra, lợi dụng chức quyền để ấn sổ hộ nghèo vào tay vợ con hay người thân của mình, dù họ không nghèo, cũng là một hình thức tham nhũng, dù đó chỉ là tham nhũng vặt. Đã là tham nhũng, thì dù nhỏ hay lớn, cũng khiến nhân cách của con người bị hủy hoại, sự liêm sỉ không còn.
Không biết những người đó, khi soi vào tấm gương của cụ Đỗ Thị Mơ, có biết xấu hổ hay không?
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin mới hơn

Địa phương đạt chuẩn

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
NTM TW
Cổng TTĐT tỉnh HG
Sở NNPTNT
Ban Dân tộc tỉnh
Sở LĐTBXH

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay17,047
  • Tháng hiện tại17,047
  • Tổng lượt truy cập1,921,893
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây