Làng được lựa chọn xây dựng Làng văn hoá du lịch tiêu biểu tỉnh phải gắn với đặc thù về dân tộc địa phương, có tiềm năng, lợi thế nổi trội trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường. Căn cứ tình hình thực tế về tiềm năng, lợi thế, tính khả thi và yêu cầu thị trường, mỗi địa phương chủ trương xây dựng không quá 05 làng văn hoá du lịch nhằm tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh sự dàn trải. Chú trọng ưu tiên phát triển Làng văn hoá du lịch có tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thị trường du lịch tại các địa phương còn bảo tồn văn hoá, kiến trúc truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, vùng các dân tộc thiểu số ít người đặc trưng sinh sống trên địa bàn. Việc thực hiện tiêu chí, trình tự, thời gian thực hiện xét công nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu tỉnh Hà Giang phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêu chí xét công nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu tỉnh Hà Giang đó là: (1) Làng hoàn thành tiêu chí Bộ sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (theo quyết định 148/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ) được Hội đồng phân hạng sản phẩm OCOP cấp có thẩm quyền đánh giá và quyết định công nhận đạt 3 sao trở lên còn thời hạn. (2) Làng đạt chuẩn nông thôn mới theo quyết định 1177/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận còn thời hạn. (3) Được UBND tỉnh công nhận Điểm Du lịch theo quy định của Luật du lịch năm 2017. (4) Khuyến khích áp dụng có chọn lọc, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo yêu cầu về chất lượng của Bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng TCVN 13259:2020; tiêu chuẩn ASEAN về Du lịch cộng đồng.
Trình tự, thời gian thực hiện xét công nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu gồm:
Căn cứ danh mục đăng ký thực hiện xây dựng Làng văn hoá du lịch tiêu biểu đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố rà soát các làng đến thời điểm công nhận (bao gồm cả công nhận mới và công nhận lại) hoàn thiện tiêu chí, gửi Tờ trình xét công nhận về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định xét công nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, căn cứ kết quả nghiên cứu, đối chiếu tài liệu gửi kèm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm trình UBND tỉnh quyết định công nhận. Trong trường hợp cần thiết, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các đơn vị chuyên môn liên quan tổ chức rà soát thực tế đối với một số tiêu chí để làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh xét công nhận. Trường hợp làng đề nghị chưa đảm bảo thành phần, chất lượng hồ sơ đề nghị công nhận hoặc không đảm bảo hoàn thiện tiêu chí thực hiện, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu bổ sung, hoặc ra thông báo không đủ điều kiện xét công nhận.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, căn cứ tờ trình của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu. Trường hợp không đủ điều kiện công nhận, UBND tỉnh có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Thời gian công nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu có hiệu lực 03 năm đối với Làng được công nhận lần đầu và 05 năm đối với Làng công nhận lại.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị: UBND tỉnh giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát danh mục đăng ký xây dựng nhận Làng văn hoá du lịch tiêu biểu trình UBND tỉnh phê duyệt, đôn đốc đảm bảo tiến độ thực hiện; tiếp nhận văn bản đề nghị xét công nhận, kiểm tra hồ sơ; hướng dẫn thực hiện các tiêu chí ngành phụ trách; tăng cường xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư và khách du lịch, tổ chức đào tạo tập huấn cho các làng. Các sở ngành liên quan ưu tiên lồng ghép nguồn lực, phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành phố chủ trì tổ chức rà soát, nghiên cứu đề xuất các làng có tiềm năng, có tính khả thi, tránh dàn trải, bố trí nguồn lực đảm bảo tiến độ; duy trì các tiêu chí sau khi được công nhận và hàng năm đánh giá hiệu quả hoạt động các làng đã được công nhận; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; nếu các lang đã đăng ký có có khả năng hoàn thành hoặc không phát huy hiệu quả, UBND các huyện báo cáo, đề xuất lộ trình thực hiện hoặc đưa ra khỏi danh sách các làng văn hoá du lịch tiêu biểu tỉnh.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2024. Bãi bỏ quyết định 1324/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 về Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố Làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình OCOP tỉnh Hà Giang.
Nguyễn Hằng