1. Quy mô đàn giống và chuồng trại chăn nuôi:
Quy mô đàn giống phải đảm bảo phân chia gia đình và cơ cấu cho việc nhân giống phù hợp từng đối tượng giống vật nuôi: Lợn giống không ít hơn 30 con nái sinh sản; gà, vịt, ngan giống không ít hơn 500 con mái sinh sản trở lên.
Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo cho đàn giống đủ về quy mô và có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt. Diện tích chuồng trại chăn nuôi tối thiểu từ 150 đến 200 m2. Chuồng trại chăn nuôi phải được đảm bảo an toàn sinh học. Khoảng cách đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt không ít hơn 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm và chợ buôn bán gia súc, gia cầm, lợn không ít hơn 1 km. Có tường hoặc hàng rào bao quanh để chủ động kiểm soát người và động vật ra, vào. Có chuồng nuôi tân đáo và chuồng nuôi cách ly lợn, gia cầm ốm tách biệt với chuồng nuôi tập trung.
2. Cơ sở vật chất:
Các kho: Thức ăn, thuốc thú y, hóa chất và thuốc sát trùng, thiết bị... phải đảm bảo an toàn, thông thoáng, tránh ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Các thiết bị dùng trong chăn nuôi, máng ăn, máng uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa.
Các dụng cụ khác trong chuồng trại: Xe vận chuyển thức ăn, xẻng, xô phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.
3. Chất lượng con giống:
Có quy trình chọn, nhân giống phù hợp cho từng giống vật nuôi và thực hiện đúng quy trình.
Giống đưa vào nuôi phải đảm bảo khỏe mạnh, rõ ràng về nguồn gốc và phẩm cấp phù hợp mục tiêu làm giống (tối thiểu phải đạt phẩm cấp giống bố mẹ trở lên). Có giấy kiểm dịch theo quy định pháp luật về thú y. Có hồ sơ giống phù hợp quy định quản lý đối với từng giống vật nuôi:
Đối với lợn giống có lý lịch cá thể kèm các bằng chứng chứng minh nguồn gốc; Xác nhận phẩm cấp giống, chất lượng giống (nếu có).
Đối với gà, vịt, ngan giống có các bằng chứng chứng minh số lượng đàn giống nhập vào về số lượng, tên giống, cơ sở sản xuất; dòng trống, dòng mái (nếu là giống ông bà); xác nhận chất lượng giống (nếu có).
Giống bán ra phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở đã công bố.
Cơ sở giống phải công bố tiêu chuẩn cơ sở về các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp theo từng giống:
Lợn nái: Tuổi đẻ lứa đầu; số con sơ sinh sống/ổ; số con cai sữa/ổ; số ngày cai sữa; khối lượng toàn ổ lúc sơ sinh; khối lượng toàn ổ lúc cai sữa; số lứa/nái/năm.
Lợn đực giống: Khả năng tăng khối lượng/ngày; tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng; các chỉ tiêu chất lượng tinh V,A,C.
Gà, ngan, vịt giống:
- Giai đoạn hậu bị: Thời gian nuôi hậu bị; tỷ lệ nuôi sống; tỷ lệ chọn con trống; tỷ lệ chọn con mái; khối lượng kết thúc hậu bị; tiêu tốn thức ăn/con.
- Giai đoạn sinh sản: Tuổi đẻ; số tuần đẻ; năng suất trứng; khối lượng trung bình trứng giống; tỷ lệ trứng đủ tiêu chuẩn; tỷ lệ ấp nở; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng; số lượng con giống 1 ngày tuổi chọn làm giống/mái/năm.
Đeo thẻ tai và mã số cá thể cho lợn giống trước khi xuất bán; dán nhãn giống cho gà, vịt, ngan giống trên hộp hoặc khay trước khi bao gói con giống để xuất bán.
Tuổi khai thác con giống phải đảm bảo quy định quản lý hiện hành. Không khai thác sau 52 tháng tuổi hoặc thời gian khai thác nhiều hơn 42 tháng đối với lợn đực giống; không khai thác sau 60 tháng tuổi và số lứa đẻ nhiều hơn 8 đối với lợn nái; không khai thác sau 90 tuần tuổi hoặc 72 và 68 tuần đẻ tương ứng với gà giống hướng trứng và hướng thịt; vịt, ngan giống không khai thác sau 75 và 80 tuần tuổi hoặc 48 và 52 tuần đẻ tương ứng đối với vịt, ngan giống.
4. Thức ăn, nước uống và chăm sóc nuôi dưỡng:
Không sử dụng thức ăn, nước uống hoặc cho vào thức ăn, nước uống các hóa chất, kháng sinh trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Có quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp các giống vật nuôi theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển và thực hiện đúng quy trình.
5. Vệ sinh thú y:
Có quy trình vệ sinh thú y khu chăn nuôi, chuồng trại, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi và thực hiện đúng quy trình.
Có nội quy cho khách thăm quan, người lao động ra, vào trại chăn nuôi và thực hiện đúng nội quy.
Có chương trình hoặc kế hoạch tiêm phòng vắc xin, tẩy ký sinh trùng cho vật nuôi và thực hiện đúng chương trình hoặc kế hoạch đã xây dựng.
6. Xử lý chất thải:
Có các biện pháp xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.
Nước thải chăn nuôi phải được xử lý đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật số QCVN 62-MT: 2016/BTNMT ngày 29/4//2016.
(Theo Công văn số 472/SNN-CNTS, ngày 24/4/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất giống lợn, gà,vịt và ngan)
Nguồn: Trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang.