Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lily

Thứ sáu - 01/12/2017 03:40
Hoa Lily là một loại hoa đẹp rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Hoa Lily là cây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát, nhiệt độ thích hợp ban ngày là 20-250C, ban đêm là 120C -180C, dưới 120C cây sinh trưởng kém, hoa dễ bị mù... Tuy nhiên, để hoa Lily sinh trưởng và phát triển tốt, người trồng cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật như:
1. Một số giống trồng phổ biến: Giống Yelloween, giống Sorbonne, giống Lake Carey, giống Lesotho, giống Tresor,... Tuy nhiên, cần căn cứ thị trường để chọn mua giống hoa lily ươm trồng cho phù hợp, nên mua củ giống kích thước lớn để có nhiều nụ hoa, tăng giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế.

2. Thời vụ trồng: Từ 25/8 đến 15/10 âm lịch (tùy theo giống và vùng trồng).

3. Kỹ thuật làm đất:

- Yêu cầu đất trồng: Tơi xốp, thoát nước tốt, không chứa mầm bệnh hại, độ pH từ 5,5-7 (tùy theo giống), nên trồng trên chân đất luân canh với lúa nước hoặc cây ngũ cốc, không trồng trên chân đất vụ trước trồng cây cùng họ (hành, tỏi...)...

- Làm đất: Đất được cày bừa tơi, phẳng, sạch cỏ rác, dùng thuốc Aliettle 800WG nồng độ 1/500, Ridomil 68WP nồng độ pha 1/400, để phun khử trùng vào đất với lượng 50 lít dung dịch/100m2.

- Lên luống: Lên luống rộng 1 -1,2m; cao 30-40cm, rãnh luống 40-50cm.

4. Xử lý củ giống trước khi trồng:

- Nếu có kho lạnh (xử lý để củ mọc mầm trong kho lạnh sau đó đem ra trồng), các bước tiến hành cụ thể như sau:

+ Bước 1: Đưa củ ra khỏi kho lạnh bảo quản để tan hết đá.

+Bước 2: Xử lý củ bằng Daconil 75WP hoặc Ridomil Gold 68WP, nồng độ 1/500 trong 5-10 phút.

+ Bước 3: Trồng củ vào các khay nhựa.

+ Bước 4: Xếp các khay củ đã trồng lại vào trong kho lạnh (các khay có thể xếp chồng lên nhau), đặt chế độ nhiệt dao động  từ 12-140C.

+ Bước 5: Sau 10-15 ngày, mầm dài 7-10 cm, các vòng rễ thân bắt đầu xuất hiện thì đưa củ ra trồng ngoài đồng ruộng.

- Trường hợp không có kho lạnh:

+ Từ bước 1- 3: Làm giống như trường hợp có kho lạnh.

+  Bước 4: Xếp các khay củ đã trồng vào chỗ thoáng mát (tốt nhất là dưới bóng râm) sau đó lấy lưới đen che kín để mầm củ không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.

+ Bước 5: Trồng ra đất khi mầm củ dài 7-10 cm.

5. Khoảng cách trồng:

+ Củ có kích thước18/20: Hàng x hàng 20cm; cây x cây 15cm

+ Củ có kích thước18/22: Hàng x hàng 20cm; cây x cây 18cm

6. Cách trồng và khoảng cách trồng: Rạch hàng đặt củ sau đó lấp đất hoặc dùng dầm đào lỗ đặt củ và lấp đất lên.

Lưu ý: Độ sâu lấp đất từ 8 - 10cm ( bằng hai lần chiều cao của củ)

7. Kỹ thuật chăm sóc:

7.1. Kỹ thuật tưới nước: Luôn phải giữ ẩm cho đất trong suốt quá trình trồng, đảm bảo độ ẩm 65-75% (bóp chặt 1 nắm đất sau khi tưới, không thấy nước rỉ ra ngoài tay, đất nắm thành cục, khi gõ nhẹ vào nắm đất sẽ bị vỡ ra là đảm bảo). Khi tưới nước tốt nhất nên tưới nước vào phần gốc cây tránh làm lá và nụ bị ướt. Nếu có điều kiện nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho hoa lily với chế độ tưới 30 phút/ngày.

5.2. Chế độ che lưới đen :Trước khi trồng 2 tuần tiến hành che lưới cắt nắng 70%, che cách mặt đất từ 2-3m. Khi cây bắt đầu xuất hiện nụ hoa thì mở lưới ra, chỉ che vào buổi trưa khi trời nắng to, từ khi nụ hoa xuất hiện đến khi thu hoạch hoa luôn theo dõi và kiểm tra cường độ ánh sáng nhà trồng lily để có chế độ che hợp lý. Che lưới đen sẽ làm giảm cường độ ánh sáng và làm giảm nhiệt độ môi trường trồng hoa lily.

7.3. Bón phân (lượng phân bón tính cho100m2):      

- Bón lót: Sau khi cày ải đất sử dụng các loại phân đã được ủ hoai mục như: Phân gà, phân chuồng, phân gia súc... với lượng 1-1,5m3, bón trước khi trồng 1-2 tháng.

- Bón thúc: Sau trồng từ 3 tuần (cây cao 20-35cm) trở lên thì tiến hành bón thúc, nên hòa phân với nước để tưới xung quang gốc thì hiệu quả sẽ cao hơn, cụ thể:

- Lần 1: Sau trồng 3 tuần, dùng 1-2kg NPK (1:1:1) + 0,2kg đạm Urê.

- Lần 2: Bón sau lần 1 từ 7-10 ngày, dùng 1kg Canxi Nitrat + 1-2kg NPK (1:1:1).

- Lần 3: Khi đang xuất hiện nụ hoa, dùng 2kg NPK (1:1:1).

- Lần 4: Sau lần 3 từ 7-10 ngày, dùng 1-2kg NPK (1:1:1).

Tùy theo tình trạng sinh trưởng của cây hoa lily chúng ta có thể bón thêm phân cho cây, tuy nhiên thời điểm cuối cùng có thể bón phân cho hoa lily là trước khi hoa nở  3 tuần. Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại chế phẩm dinh dưỡng qua lá như: Atonik 1.8SL, Đầu trâu (502, 901, 902),... phun sau trồng 15-20 ngày, phun định kỳ 5-7 ngày/lần.

7.4. Làm cỏ, xới xáo: Sau khi cây mọc lên trên mặt đất khoảng 10-15cm dùng cào nhỏ xới phá váng mặt đất, sau đó định kỳ 10-15 ngày kiểm tra nếu thấy đất bị gắn mặt hoặc quá chặt thì nên xới đất lại.

8. Phòng trừ một số bệnh hại chính:

8.1. Bệnh virus:

- Triệu chứng: Màu xanh của lá dần dần nhạt đi, các lá này bắt đầu xoăn lại. Những triệu chứng trên lá cây biểu hiện rõ nhất xung quanh thời kỳ cây ra hoa. Trong nhiều trường hợp không nhìn rõ triệu chứng trên lá mà chỉ được biểu hiện rõ ràng trên hoa, mầu sắc hoa bị xuống cấp nghiêm trọng.

-  Phòng trừ: Chọn củ giống sạch bệnh để trồng, làm cỏ, vệ sinh môi trường khu vực trồng sạch sẽ. Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nhổ bỏ và tiêu hủy ngay những cây bị nhiễm.

8.2. Bệnh thối thân:

-  Triệu chứng: Cây bị bệnh hoa bị thối rữa, cây sinh trưởng chậm lại và lá bị héo đột ngột. Thân bị nhiễm bệnh bị thối mềm và có màu xanh tối đến nâu tối lan rộng lên phía trên ngọn, những cây bị nhiễm lá trở nên vàng ở phần gốc, bệnh thường gây hại phần thân trên mặt đất làm cho cây bị đổ gãy.

-  Phòng trừ:

+ Khử trùng đất, giá thể trước khi trồng., đảm bảo đất, giá thể thoát nước tốt. Duy trì nhiệt độ thấp nhất có thể trong những giai đoạn nóng của mùa vụ trồng.

+ Nhổ bỏ những cây bị bệnh nặng, trồng trên đất luân canh với cây trồng khác, tốt nhất nên luân canh với lúa nước.

+ Sử dụng thuốc Alietle 800WG, Ridomil Gold  68WP để phun phòng trừ bệnh, định kỳ 7-10 ngày/lần.

8.3. Bệnh teo, rụng nụ:

-  Triệu chứng: Nụ có màu xanh nhạt, dần dần chuyển màu vàng, lúc này tại cuống nụ xuất hiện tầng rời và làm rụng nụ hoa.

-  Phòng trừ: Bổ sung dinh dưỡng Bortrac 10,9%, liều lượng 20ml/16 lít, phun sau trồng 35 ngày, định kỳ 7-10 ngày/lần.

8.4. Bệnh cháy lá:

- Triệu chứng: Bệnh cháy lá xuất hiện vào thời điểm trước khi nụ hoa xuất hiện, đầu tiên tất cả các lá non bị xoắn nhẹ hướng vào trong và sau đó một và ngày sẽ xuất hiện những vết đốm có màu xanh vàng đến trắng trên là bị cháy. Nếu lá bị cháy nhẹ cây sẽ tiếp tục phát triển bình thường. Nhưng nếu cây bị cháy lá nặng những vết đốm trắng có thể chuyển thành nâu trên bề mặt và lá sẽ bị uốn cong ở những nơi vết bệnh xuất hiện. Trong trường hợp rất xấu tất cả lá trên ngọn sẽ bị mất.

-  Phòng trừ:

+ Xử lý đất đảm bảo trước khi trồng.

+ Giữ ẩm đất trước khi trồng, không nên trồng vào những mùa vụ nhạy cảm (mưa nhiều, nắng,..) , trồng củ sâu  từ 6-10cm.

+ Chủ động ngăn chặn sự thay đổi lớn của nhiệt độ và độ ẩm không khí, giữ độ ẩm tương đối ở 75%.

+ Tưới nước hợp lý để giữ sự thoát hơi nước cân bằng và ngăn chặn sự thoát hơi nước quá giới hạn bằng che lưới đen, tưới nước nhẹ một vài lần 1 ngày.

 


Nguồn tin: Nguồn: baohagiang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Địa phương đạt chuẩn

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
NTM TW
Cổng TTĐT tỉnh HG
Sở NNPTNT
Ban Dân tộc tỉnh
Sở LĐTBXH

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay15,144
  • Tháng hiện tại41,985
  • Tổng lượt truy cập1,554,998
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây