Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh và kinh nghiệm để áp dụng

Thứ ba - 21/11/2017 02:42
Quảng Ninh là một tỉnh có điều kiện tự nhiên và xã hội đa dạng, với nhiều loại địa hình, từ vùng biển đến núi cao. Với điều kiện như vậy, Quảng Ninh có nhiều sản vật và sản phẩm truyền thống, nếu được phát triển và hiện đại hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, điều kiện của cộng đồng và điều kiện hội nhập quốc tế có thể tạo ra động lực phát triển mới và bền vững.
Từ thực tế đó, tháng 10/2013, Quảng Ninh đã ban hành Đề án "Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản, phẩm giai đoạn 2013-2016". Đề án được tỉnh Quảng Ninh triển khai một cách bài bản và có hệ thống. Ngay sau khi phê duyệt Đề án, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Điều hành Đề án cùng các Tiểu ban và có một bộ máy làm việc hiệu quả từ tỉnh đến huyện, xã. Ban Điều hành OCOP cấp tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh làm Trưởng Ban, cơ quan thường trực cấp tỉnh là Ban Xây dựng NTM tỉnh; Ban Điều hành OCOP cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng Ban.
Đã xây dựng, ban hành và tổ chức hướng dẫn thực hiện Bộ công cụ quản lý Chương trình OCOP; Ban hành chu trình chuẩn OCOP và bộ tài liệu hướng dẫn triển khai; Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng bảo hộ trong phạm vi quốc gia vào tháng 10/2015.
 
Người dân thành phố Hạ Long tham quan và mua sắm tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm của Hội thảo “giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm” diễn ra tại Quảng Ninh tháng 9/2017. Ảnh: Tuấn Khanh
Các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất) phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Đến 30/9/2016 đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận. Năm 2016 đã có 198 sản phẩm, các sản phẩm đều có bao bì nhãn mác đẹp, kiểu dáng chuyên nghiệp, sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm - ẩm thực, đồ uống và thảo dược đều đạt các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Ngoài sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ được hình thành có bước phát triển như Du lịch làng quê Yên Đức - Đông Triều, Lễ hội hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ tạo sự hấp dẫn và sức hút du lịch cho các địa phương. Tại cuộc thi đánh giá sản phẩm OCOP tháng 5/2016, đã đánh giá tiêu chuẩn cho 121 sản phẩm, kết quả có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao.
Đã xây dựng và hình thành hệ thống hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở hộ sản xuất thuộc cộng đồng OCOP để phát triển và thương mại hoá sản phẩm truyền thống của địa phương. Đã có 20 đơn vị tư vấn tham gia tư vấn cho chương trình. Xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất tập trung và hỗ trợ ngân sách để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh OCOP; có 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP; 25 quy hoạch chi tiết vùng sản xuất sản phẩm OCOP được quy hoạch. Tổ chức hội thi thiết kế nhãn hiệu (logo) và kiểu dáng công nghiệp bao bì cho các sản phẩm OCOP, có 300 tác phẩm dự thi, đã lựa chọn được 46  tác phẩm đoạt giải. Tổ chức hiệu quả 12 đợt triển lãm, quảng bá giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các thị trường Nam Ninh, Vân Nam (Trung Quốc); tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng... Đặc biệt duy trì hội chợ OCOP thường niên 02 kỳ/năm tại thành phố Hạ Long. Qua đó đã giúp cho các cơ sở sản xuất OCOP tiếp cận với thị trường, thực hiện giao dịch trực tiếp với nhà phân phối, bán lẻ, cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm OCOP. Hội chợ OCOP dần từng bước trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Bước đầu đã hình thành hệ thống trưng bày, xúc tiến bán hàng riêng của chương trình OCOP, hiện đã có các trung tâm, điểm bán hàng OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư tập trung như Đông Triều, Uống Bí, Quảng Yên..; các huyện còn lại đang tích cực kêu gọi đầu tư các điểm bán hàng OCOP. Thị trường của các sản phẩm OCOP hiện tập trung tại Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đông Hưng (Trung Quốc)...
Hiệu quả của chương trình OCOP còn được thể hiện qua chương trình huy động vốn cho phát triển sản xuất. Theo thống kê chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng thương mại trong năm 2014 – 2015, ngân sách hỗ trợ 18,53 tỷ đồng, song số tiền vay ngân hàng của các hộ sản xuất lên đến 373,65 tỷ đồng với 929 dự án đầu tư các sản phẩm, dịch vụ. Các hộ sản xuất sẽ phải hạch toán kỹ càng khi sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, qua đó nâng cao tính chủ động, không còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Ngân sách nhà nước, các dự án sản xuất được đầu tư có hiệu quả hơn. Trước khi có Đề án, các sản phẩm chỉ mang tính tự cung tự cấp tại vùng sản xuất, nhưng nay các sản phẩm đã có mẫu mã bao bì đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn và trở thành hàng hóa bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, do vậy giá bán và sản lượng sản xuất các sản phẩm đều tăng từ 20 - 30% so với trước, góp phần kích thích sản xuất phát triển. Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP trong 03 năm đạt 672.296 triệu đồng (Đề án đề ra 200.000 triệu đồng) nhờ gia tăng quy mô sản xuất và giá bán (Ví dụ: mật ong tăng từ 180.000 đ/lít lên 250.000 đ/ lít; Dầu sở từ 180.000đ/lít lên 300.000 đồng/lít; Ba kích khô từ 550.000đ/kg lên 800.000đ/kg; Trứng vịt biển từ 2.400đ/quả lên 4.000 đ/ quả;..). Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP tại Quảng Ninh, đến nay đã có hơn 200 sản phẩm, nhóm sản phẩm có mẫu mã bao bì phong phú được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận tích cực.
Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh là một “nét chấm phá” đầu tiên trong cả nước, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và là thương hiệu hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh, là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 của Quảng Ninh. Tỉnh đã được Nhà nước đánh giá, ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vào tháng 12/2015.
Từ thành công của Đề án OCOP của tỉnh Quảng Ninh, nhận thấy đây là Chương trình có thể nhân rộng trong cả nước. Ngày 5/6/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP Phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát.
Đối với tỉnh Hà Giang, ngày 24/8/2017 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 05/10/2017, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để triển khai xây dựng Đề án “mỗi xã một sản phẩm”. UBND tỉnh đã giao cho sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với đơn vị tư vấn (Công ty DK Pharma – chính là đơn vị tư vấn cho tỉnh Quảng Ninh) hoàn thiện đề án; tham mưu, đề xuất với tỉnh hệ thống bộ máy xây dựng Đề án từ tỉnh đến huyện, xã. Hiện nay, Chi cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị tư vấn đã hoàn thành việc khảo sát, tổng hợp dữ liệu tại các huyện và các sở, ngành. Trong tháng 11/2017, sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Đề án.
Hy vọng, với bài học kinh nghiệm triển khai thành công Đề án OCOP của tỉnh Quảng Ninh và sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản của tỉnh Hà Giang; sự tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành, Chương trình OCOP tỉnh Hà Giang sẽ đạt được kết quả cao./.
Nguyễn Hằng – VPĐP NTM tỉnh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin mới hơn

Địa phương đạt chuẩn

LIÊN KẾT WEBSITE

Cổng TTĐT Chính phủ
NTM TW
Cổng TTĐT tỉnh HG
Sở NNPTNT
Ban Dân tộc tỉnh
Sở LĐTBXH

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay32,343
  • Tháng hiện tại173,115
  • Tổng lượt truy cập1,686,128
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây